[Chuyến tàu chở hi vọng] - Tác phẩm "Hai đứa trẻ" (Thạch Lam) | Đề bài: Anh/chị hãy nêu cảm nhận về một truyện ngắn mình yêu thích

Ngày 08/09/2020 15:23:20, lượt xem: 4541

🌿[Chuyến tàu chở hi vọng] - Tác phẩm "Hai đứa trẻ" (Thạch Lam)

📌Đề bài: Anh/chị hãy nêu cảm nhận về một truyện ngắn mình yêu thích

🌻Bài làm:

Sống khép mình với trang văn nhẹ nhàng, Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc vào hoa thôn cổ tích. Văn Thạch Lam mỏng manh sương khói, buồn man mác dàn trai mênh mông giữa dòng nhật sống thường ngày. "Hai đứa trẻ" ra đời "gợi một nỗi niềm về quá vãng", về gió bụi xa xưa, về thứ bóng tối đeo đuổi con người đến tốt cùng.

Trong cuộc sống tối tăm, đói nghèo và tù đọng thời kì trước Cách mạng, những người dân Việt Nam vẫn cần cù, nhẫn nại kiếm sống, yêu thương, thông cảm với nhau và không nguôi khát vọng ngày mai cuộc đời tươi sáng hơn. "Hai đứa trẻ" thể hiện khát vọng của những con người bình thường được sống. dù chỉ trong phút giấy, chỉ dám có những ước mơ bé mọn để khuấy động đôi chút cuộc sống quẩn quanh nhàm chán, đơn điệu của mình.

Trước giờ khắc ngày tàn nơi phố huyện, cùng những âm thanh tiếng trống thu không gọi buổi chiều, cùng những đám mây hồng ở phương Tây như hòn than, Liên - nhân vật chính trong "Hai đứa trẻ" thấy lòng buồn man mác. Bức tranh thiên nhiên của một vùng quê nghèo khó, thật yên tĩnh, thanh bình và buồn trong chính cái chất thơ của nó. Về khuya, tất cả tắt dần, tàn dần, nhỏ dần. Sự sống chỉ còn leo lét nhưu đốm lửa hắt ra yếu ớt nơi ngọn đèn hàng nước chủa chị Tí... Kiên không thu mình lại trong nỗi đơn độc tuyệt vọng, tâm hồn cô mở rộng để quan sát, để cảm nhận mọi sự vật, con người xung quanh bằng những rung động thật thuần nhị, tinh tế, trong trẻo. Mùi ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc, khiên Liên liên tưởng đến mùi của đất, của quê hương này. Đối với những người dân nghèo nơi phố huyện, cô gái gốc gác Hà Thành hiểu rõ từng mảnh đời, tùng hoàn cảnh một để rồi đặt một mảnh hồn vào thương cảm, xót xa, chia sẻ và trân trọng họ. Trong không gian mơ hồ ngập tối, Liên đỡ buồn hưn vì dường như cô cảm thấy nỗi lòng sâu kín mà mãnh liệt của bà côn quanh phố, những thân phận đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy cơ cực, "Chừng ấy con người trong cái bóng tối đang mong chờ một cái gì đấy tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ". Cảm thông rồi cộng hưởng với những "momg đợi" ấy của cả một xã hội thu nhỏ đang nằm yên trong bóng tối, hằng đêm, Liên cùng cậu em bé bỏng cố thức đến tận khuya để đợi chuyến tàu từ Hà Nội đi qua phố huyện. Mẹ vẫn thường dặn: phảo thức khuya đợi tàu đến, may ra bán được vài thứ. nhưng đối với chị em Liên, việc đợi tàu không phải để bán hàng mà "vì một cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu...". Chi tiết hai chị em Liên với "tiếng còi xe lửa vẳng lại..." đem đến nỗi ám ảnh dai dẳng trong lòng chúng ta. Như một âm thanh chập chờn và phù du, chuyến tàu đi qua đếm theo hình ảnh của Hà Nội, của ánh sáng, mặc dầu rất mong manh những phần nào kéo lên tấm màn về tương lai "tươi sáng" đang rộng mơ ngay giữa màn đêm lạnh.

Mở đầu là tiếng còi xe lửa từ xa vang lại, kéo dài trong đem khuya theo ngọn gió xa xôi làm trống cầm canh "đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan", rồi tiếng dồn dập bởi "tiếng xe rít mạnh vào ghi". Cả phố huyện bừng tỉnh, náo nức, sôi nổi một niềm vui đón đợi, những hành khách ồn ào khe khẽ và "tiếng coi rít lên, tàu rầm rộ đi tới..." Dưới ngòi bút Thạch Lam, hình ảnh đoàn tàu hiện lên đẫm chất thơ, từ những âm thanh xa xôi lại gần đến từng ngóc ngách hình dáng con tàu mang theo cả những háo hức đón chờ. Đoàn tàu vụt qua với những "đèn sáng trưng" , "những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người", "đồng và kền lấp lánh..." , "những đốm than đỏ bay tung". Một phố huyện mới đầy rực rỡ, đầy kiêu sa; một phố huyện náo nhiệt bừng lên những vầng sáng mới, nhộn nhịp, đánh thức cả những giấc mơ đang say mộng tương lai. Tâm trạng của chị em Liên hồi hộp chờ đợi từng âm thanh rất nhỏ đọng lại theo giọt thời khắc vô định, là sựu náo nức chờ tàu đi qua, như chờ đợi một thứ niềm vui nho nhỏ về ánh sáng và miền thế giới mới mẻ bên kia khung đường sắt,.

So với mọi đêm thì chuyến tàu hôm nay không đông và kém sáng hơn, nhưng vẫn đủ sức lay dậy cả một niềm cảm thương, khát vọng và ước mơ nhỏ nhoi, ấm áp xủa hai đứa trẻ đang lặng đi nhìn theo. Chuyến tàu đêm đem theo một thế giới thật đáng sống, thật hồn nhiên với hồi ức về một nơi xa xăm đã từng thân quen như máu mủ, ruột rà, ta nghe một mảnh tình đang chới với "Họ ở Hà Nội về, Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực rỡ và huyên náo..." Những kí ức đẹp đẽ xa xưa trỗi dậy, cả một miền ấu thơ về những ngày gia đình Liên còn ở Hà Nội, thật êm đềm xúc động. Cái thế giới tuổi thơ ấy vụt qua khiến chị em Liên hồi tưởng rồi bâng khuâng với từng giờ phút sống động như cuộn phim chiếu chậm trong tiền thức, Liên từng được đi chơi Bờ Hồ, từng được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Gửi lời tạm biệt Hà Nội trong quá khứ cũng là lúc gửi lời đón chào với những nỗi nhớ khôn nguôi ở thực tại, chuyến tàu đi qua mang dáng dấp của những ngày từng sống ở Hà Nội, vậy nên chị em cô gái Hà Thành cứ chần chừ ngờ ngợ ngắm con tầu vụt qua mà lòng khát khao gìn giữ mãi những kỉ niệm đẹp của quá khứ

Chuyến tàu của những giấc mơ, chuyến tàu của kỉ niệm quá vãng, chị em Liên vẫn để hồn mình buông theo dòng lưu luyến với từng chuyển động mơ hồ của trục thời gian lăn theo trục ray tàu đi vào khoảng tối. Ấy là nỗi day dứt mơ hồ về niềm yêu, niềm nhớ đối với "một chút thế giới khác, một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn với các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu". Cầu văn xuôi đẹp như những dòng thơ lãng mạn, Thạch Lam là nhà văn của cảm giác, của chiều sâu trong cảm xúc tâm hồn Thạch Lam, nên nỗi thấu cảm về một tuổi thơ đẹp bình yên cùng nỗi buồn đơn điệu gặm nhấm thực tại. Hẳn đối với chính tác giả và Liên, thế giới khác ấy vừa là kỉ niệm tuổi thơ hạnh phúc của quá khứ, vừa là khát vọng tương lai, Thạch Lam vẽ thêm đôi cánh cho cô gái nhỏ bay theo những vầng sáng để mà ước mơ, để không cam chịu thực tại và mong muốn đắm mình vào không gian tươi sáng. Con tàu di chuyển trong đếm, chất chứa nỗi hồ hởi sung sướng của hai đứa trẻ đựơc thỏa mãn trong niềm say mê với quá vãng và ước vọng tương lai.

Tâm trạng hai đứa trẻ đã thôi lưu luyến mà trở nên háo hức đầy hi vọng vào ngày mai. Hình ảnh đoàn tàu gợi cho ta hình ảnh "cánh buồm đỏ thắm" của Grin. Hai hình ảnh khác nhau mà niềm hi vọng, nỗi khát khao gần gũi nhau biết nhường nào. Cho nên, chuyến tàu đã qua mà ánh mắt của chị em Liên vẫn bị thu hút theo "cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng..."

Hai đứa trẻ đợi tàu bằng cả niềm thương cảm tinh tế lặng lẽ của tuổi thơ. Chi tiết này gây cho người đọc nhiều cảm giác bâng khuâng, thương nhớ, man mác buồn. Đó là cảm giác đẫm chất thơ, là cảm giác mơ hồ về thời gian và không gian hòa cùng tình cảm với những kiếp người lam lũ, quẩn quanh, không tương lai, không ánh sáng trong xã hội cũ nhưng vẫn lâng lâng xao xuyến trong lòng người bởi những giấc mơ, những khát khao, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Thạch Lam đã kết hợp hài hòa yếu tố hiện thực và lãng mạn; khắc họa nhân vật tinh tế với những cung bậc cảm xúc phong phú, ấn tượng. Bằng biện pháp tương phản, chi tiết chọn lọc và những liên tưởng bay bổng, thú vị, Thạch Lam đã chạm tới trái tim chúng ta không phải bằng những tình tiết truyện gây cấn mà bằng chính những điều giản đơn trong cuộc sống thường nhật cùng mảnh hồn tha thiết như cơn gió đầu mùa tinh khiết nhẹ nhàng

Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam viết về hiện thực, về những ước mơ xa vời, gợi lên cảm giác bâng khuâng khó tả nhưng củng cố thêm niềm tin và sự rung cảm êm đềm với cuộc đời nói người đọc, từ đó, càng làm tôn thêm phần quan trọng thiết yêu của những giá trị tinh thần với con người trong bất kì thời đại nào.

-----------------

Tin liên quan